Một thước đo mới sẽ xuất hiện trong thị trường đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe – đó là chế độ đo PulseOX hoặc SpO2. Nghe có vẻ phức tạp và hơi thừa thải, nhưng tính năng này có thể tiết lộ tình trạng nồng độ Oxy trong máu từ đó có thể phát hiện được các bệnh lý như chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) hoặc giúp người dùng biết được tình trạng phục hồi của mình.
Về việc chỉ số SPO2 là gì thì bạn có thể xem lại bài phân tích chi tiết của Techwear đã đề cập ở trước tại đây
Và PulseOX đã bắt đầu được những tên tuổi lớn trong ngành smartwatch chú trọng và xuất hiện trên các thiết bị của họ như Fitbit, Garmin và mới đây nhất là Withings. Năm 2020 sẽ là một năm bùng nổ cho tính năng này và bạn chắc chắn sẽ nghe nhiều hơn về những cụm từ như PulseOX hay SpO2.
Làm thế nào để đo được oxy trong máu?
Khi nói về việc đo oxy trong máu, chúng ta sẽ cần một thiết bị y tế với khả năng đo được mức độ bão hòa oxy trong máu cộng với nhịp tim của bạn. Đây thường là một thiết bị kẹp đặt trên ngón tay, ngón chân hoặc tai của bạn. Nó sử dụng các cảm biến ánh sáng đỏ và hồng ngoại để phát hiện mức độ oxy trong máu và những thay đổi để đưa dữ liệu hiển thị trên màn hình của thiết bị thông qua những con số.
Nồng độ oxy trong máu ảnh hưởng tới sức khỏe như thể nào ?
Y học đã chứng minh được rằng biết được nồng độ oxy có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về một loạt các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Tỷ lệ bão hòa oxy trong máu lớn hơn 95% được coi là chỉ số bình thường. Nếu bạn thấy chỉ số này từ mức 92% trở xuống thì nên cảnh giác và xem xét liệu bạn có vấn đề nào liên quan đến sức khỏe chưa được phát hiện hay không.
Nó có thể được sử dụng để kiểm tra xem ai đó có cần hỗ trợ thở bằng máy thở hay không, đo khả năng xử lý các hoạt động thể chất chuyên sâu của một người và nó cũng giúp phát hiện chứng bệnh ngưng thở khi ngủ.
Chứng bệnh này là một rối loạn nếu không được điều trị hoặc phát hiện kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ huyết áp cao, béo phì và thậm chí là đau tim. Nó cũng có thể là một phần dữ liệu sức khỏe có giá trị cho những người mắc các bệnh lý như hen suyễn, viêm phổi, suy tim và ung thư phổi.
Những thiết bị có khả năng đo nồng độ oxy trong máu
Như đã nói một số tên tuổi lớn trong ngành thiết bị đeo tay đã bắt đầu đưa công nghệ này vào thiết bị của mình theo những cách khác nhau. Bắt đầu là với vòng đeo tay theo dõi thể thao Withings Pulse OX và chức năng này chỉ hoạt động khi được đặt ngón tay lên cảm biến ở mặt sau của thiết bị. Nhưng bây giờ thì viên đó đã trở nên dễ dàng hơn và ngay trên cổ tay của bạn.
Các mẫu đồng hồ thể thao Garmin
Garmin đã giới thiệu các cảm biến xung oxy ở một số các sản phẩm như dòng Fenix 5X/6/6S/6X, Vivoactive 4/4S, Venu và Forerunner 245/645/945 đều sử dụng cảm biến SpO2.
Trong trường hợp này, tiện ích trên màn hình sẽ cung cấp tỷ lệ oxy trong máu, cùng với dữ liệu về độ cao để hiện thị mức oxy trong máu. Điều này đặc biệt hữu ích cho bất kỳ ai tham gia các hoạt động đi bộ đường dài, leo núi hay tham gia các cuộc thám hiểm lớn. Với dữ liệu độ cao, bạn có thể xem cách đọc số đo oxy thay đổi so với độ cao của bạn.
Tuy nhiên, nhiều thiết bị đeo sử dụng chức năng này để phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ. Vì đây là một căn bệnh tiềm ẩn mà 8/10 người mắc bệnh đều không biết họ mắc chứng bệnh này khi mà nồng độ oxy trong máu giảm xuống khi ngủ.
Ngoài ra còn có vòng đeo tay Vivosmart 4 của Garmin cũng có chức năng đo nồng độ oxy trong máu trong khi ngủ và báo cáo dữ liệu thu thập được trong giấc ngủ của bạn. Tuy nhiên thiết bị này sẽ không cảnh báo chứng ngưng thở khi ngủ và bạn cần phải tự xem xét dữ liệu. Và chức năng này sẽ gây hao pin không ít nên thường trên nhiều thiết bị tính năng sẽ được tắt theo mặc định.
Các mẫu đồng hồ thông minh Withings
Gần đây nhất Withings đã cho ra mắt Withings ScanWatch tại CES 2020 lấy tính năng phát hiện ngưng thở khi ngủ làm trọng tâm mới. Cảm biến SpO2 trên máy sẽ theo dõi oxy trong máu xuyên đêm và cảnh báo bạn về bất kỳ vấn đề nào tiềm ẩn. Tuy nhiên tính năng này vẫn còn đang chờ chứng nhận của FDA trước khi chính thức được ra mắt thị trường.
Các mẫu đồng hồ Fitbit
Không giống như Garmin, Fitbit chú trong đến việc theo dõi độ bảo hòa oxy trong máu cho sức khỏe hằng ngày hơn là thể thao. Cả 2 dòng đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe Ionic và Versa (bao gồm Versa Lite và Versa 2) và vòng đeo tay theo dõi sức khỏe Charge 3 đều có cảm biến SpO2 dựa trên cảm biến ánh sáng.
Fitbit đã nếu rõ quan điểm của mình khi muốn giải quyết chứng ngưng thở khi ngủ và khả năng cung cấp oxy trong máu để mang lại những hiểu biết có giá trị liên quan đến chứng bệnh rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu người Mỹ. Tuy nhiên cho đến hiện giờ thì cảm biến này vẫn chưa được Fitbit khai thác triệt để và đưa vào sử dụng.